Mèo phát kháng thể đặc hiệu chống nCoV

Nghiên cứu mới cho thấy ở mèo nhiễm nCoV, phát kháng thể đặc hiệu trong huyết tương để chống lại nCoV.

Nhóm nghiên cứu Phòng Thí nghiệm Vi sinh vật Nông nghiệp thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Trung và Viện virus Vũ Hán (Trung Quốc) tiến hành nghiên cứu khả năng lây nhiễm nCoV ở vật nuôi tại tỉnh Vũ Hán, khảo sát ở loài mèo. Nghiên cứu đăng trên BioRixV ngày 1/4.

Ảnh: Caixin

nCoV có thể lây lan giữa những mèo và đồng loại thông qua đường hô hấp. Ảnh: Caixin

Xét nghiệm bằng bộ kit ELISA cho 102 con mèo (bộ xét nghiệm phân tích hóa sinh thường được sử dụng chẩn đoán trong y học và bệnh học thực vật). Hiện tại, một số phương pháp đã được sử dụng để xét nghiệm kháng thể đối với nCoV ở người. Tuy nhiên, chưa có phương pháp có sẵn nào hỗ trợ phát hiện kháng thể với nCoV ở mèo. Nhóm nghiên cứu đã phân tích tỷ lệ huyết thanh của nCoV trong cơ thể mèo bằng xét nghiệm ELISA gián tiếp và xét nghiệm trung hòa virus.

Họ tiến hành sàng lọc phản ứng kháng thể với miền liên kết thụ thể RBD tái tổ hợp protein S. Kết quả cho thấy huyết thanh của 15 con mèo có kết quả dương tính với RBD của nCoV.

Để xác nhận xem trong huyết thanh của mèo có tồn tại kháng thể đặc hiệu chống nCoV hay không, nhóm tiếp tục xét nghiệm trung hòa virus (VNT) trên 15 huyết thanh dương tính theo chẩn đoán của bộ kit ELISA. Trong số các mẫu dương tính, 11 mẫu có kháng thể trung hòa với nCoV. Trong đó, 3 cá thể mèo có chủ mắc nCoV, có nồng độ kháng thể trung hòa cao nhất. Điều này cho thấy nồng độ kháng thể trung hòa cao hay thấp phụ thuộc vào sự tiếp xúc gần giữa mèo và người nhiễm nCoV.

Đây là báo cáo nghiên cứu đầu tiên về khả năng sản xuất kháng thể trung hòa đặc hiệu chống lại nCoV trong điều kiện tự nhiên của vật nuôi trong nhà. Dữ liệu trong nghiên cứu cho thấy nCoV đã lây nhiễm cho quần thể mèo ở Vũ Hán trong đợt bùng phát, trường hợp mèo nhiễm nCoV có thể do người lây truyền sang mèo. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn để xác minh.

Hiện không có bằng chứng nào cho thấy nCoV được truyền từ mèo sang người. Trước đó, ngày 31/3, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Viện nghiên cứu Thú y Trung Quốc thực hiện một loạt thử nghiệm nhiễm nCoV tiến hành trong phòng thí nghiệm P4 (độ an toàn sinh học cấp 4), họ phát hiện ra quá trình nhân lên nCoV không xuất hiện ở chó, gà, lợn, nhưng lại xuất hiện ở chồn và mèo. nCoV sử dụng cùng loại enzyme chuyển đổi ACE2 tương tự như SARS-CoV để lây nhiễm cho người, điều này cho thấy nCoV có cùng phạm vi ký chủ với SARS-CoV.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra nCoV có thể lây lan giữa những mèo và đồng loại thông qua đường hô hấp. Hiện các nhà khoa học cũng đang tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp với vật nuôi nhiễm Covid-19. Điều quan trọng hiện nay cần thực hiện ngay các hành động để duy trì khoảng cách thích hợp giữa người và thú cưng, áp dụng các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh nghiêm ngặt cho những động vật này.

Nguồn: Vnexpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *